“Mọi người phía trên ngồi dồn lên trước cho các bạn ở dưới có chỗ với!” Tiếng Ban Tổ chức qua micro át đi tiếng của hơn một ngàn con người trong căn phòng hội nghị bị quá tải. Mọi người loay hoay tìm chỗ đứng hoặc ngồi, và những khoảng không gian trống biến mất trong tích tắc.

Kể cả khi phải chen lấn với hàng trăm con người trong căn phòng nhỏ như vậy, những người tham gia VietPride 2017: Sài Gòn vào cuối tháng 9 vẫn cảm thấy tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết. Hầu hết là những bạn trẻ dưới 30, họ đến với sự kiện với sơn mặt cầu vồng và cờ cầu vồng trong tay. Họ cỗ vũ thật nhiệt tình cho những tiết mục nhảy sôi động, cho những cặp đôi đồng giới tham gia thử thách trả lời các câu hỏi về nhau, cho Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi ông giới thiệu phu quân của mình trong bài diễn văn bằng tiếng Việt, và đặc biệt là cho những nghệ sĩ drag tự tin bước chân dọc căn phòng trong y phục lộng lẫy.

Những nghệ sĩ Drag biểu diễn tại phòng hội nghị khách sạn tại TP.HCM. Credit: Dam Xuan Viet

Buổi bế mạc VietPride, với sắc màu và phong cách độc đáo, đã thật sự là một thành công lớn, kể cả khi so sánh với các sự kiện LGBTQ khác trên thế giới. Tuy vậy, Ban Tổ chức sự kiện vẫn có lý do để lo lắng. Vì phòng tiệc bị quá tải, nhiều người tham gia đã phải đứng trước khách sạn để chờ buổi diễu hành, và do đó thu hút sự chú ý của cơ chức năng. Chỉ hai ngày trước, giới chức đã can thiệp cắt âm thanh của đêm nhạc Rainbow Night, và giờ đây tiếp tục dọa rút giấy phép tổ chức sự kiện của Ban Tổ chức.

“Đêm nhạc Rainbow Night của tụi mình bị công an tới cắt giữa chừng,” anh Nguyễn Thiên Tri Phong, trợ lý tổ chức sự kiện đến từ Nhóm Kết nối và Chia sẻ Thông tin (ICS) tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTQ tại TP.HCM cho biết. “Thật ra mình đã trình giấy phép ra rồi nhưng mấy chú đưa lý do là sợ chúng mình tuyên truyền bậy bạ, vv. Và nói là mình phải cắt nếu không thì họ sẽ phạt, phạt cả mình rồi phạt cả địa điểm [mình thuê] luôn.”

Sự tiến bộ?

Trong thập kỷ qua, cộng đồng LGBTQ đã có những chuyển biến lớn trên giấy tờ. Việt Nam trong mắt báo chí quốc tế trở thành một quốc gia tiến bộ về vấn đề bảo vệ quyền LGBTQ với việc bãi bỏ quy định cấm đám cưới của các cặp đôi đồng giới (mặc dù Việt Nam vẫn chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hoặc kết hợp dân sự đồng giới) và cho phép những người chuyển giới đăng ký theo giới tính sau phẫu thuật. Những thay đổi này không chỉ mang tầm quan trọng trong nước, mà còn trong khu vực, khi các quốc gia láng giềng như là Singapore, Malaysia hay Indonesia vẫn giữ các đạo luật cấm quan hệ tình dục giữa nam giới cũng như các hình phạt roi trước công chúng cho những người đồng giới.

Mặc dù thường bị lên án bởi các hành vi vi phạm nhân quyền và quyền tự do ngôn luận, nhà nước cộng sản Việt Nam được nhìn nhận là một trường hợp ngoại lệ tiến bộ trong khu vực về vấn đề quyền LGBTQ.

“Từ năm 2007 trở về trước, LGBTQ bị xem là ảnh hưởng xấu cho xã hội hoặc thâm chí là một căn bệnh có thể chữa”, anh Vương Khả Phong, một nhân viên của chương trình Quyền LGBTQ – Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Nhận thức của xã hội về LGBTQ thay đổi nhờ Internet, nơi cộng đồng LGBTQ có thể chia sẻ những câu chuyện và suy nghĩ của mình, và từ đó phát triển thành các nhóm có tổ chức và ngày càng được công chúng biết đến. “Quá trình diễn ra từ dưới lên. Bắt đầu từ cộng đồng, rồi đến công chúng, và cuối cùng là nhà nước.”

“Đối với chính quyền, vấn đề quyền LGBTQ không quá nhạy cảm về mặt chính trị. Chúng tôi không muốn gây xung đột hay làm cách mạng gì cả, nên nhà nước thường lắng nghe và hỗ trợ chúng tôi.”

Phong trào LGBTQ ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, bên cạnh tiến bộ về pháp luật, cộng đồng LGBTQ Việt Nam vẫn bị kỳ thị và quấy rối vì những định kiến xã hội về vấn đề giới tính. Dù ở nhà, trên trường hay trong cơ quan, những người công khai là đồng giới hoặc chuyển giới thường bị xem là ‘khác biệt’ và sinh hoạt ngoài những giá trị truyền thống được chấp nhận của xã hội Việt Nam. “Nam giới và phụ nữ giữ các vai trò khác nhau [ở Việt Nam],”, anh Vương cho biết. ‘Đàn ông là phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình. Phải lấy vợ, phải biết kiếm tiền. Đàn bà phải nuôi dạy con, phải có gia đình, phải biết nghe lời chồng.”

Chúng tôi mới gặp một trường hợp một bạn nam chuyển giới tự tử vì không chịu nổi áp lực gia đình phải ăn mặc như là phụ nữ.

“Có rất nhiều vấn đề, nhất là đối với các bạn trẻ chuyển giới. Cách ăn mặc của họ bị bạn bè và gia đình miệt thị. Chúng tôi gần đây mới gặp một trường hợp một bạn nam chuyển giới tự tử vì không chịu nổi áp lực phải ăn mặc như con gái từ phía gia đình. Đây là một vấn đề rất đáng bức xúc!”

Ở nhà, trên trường, trong cơ quan

Nạn ngược đãi học đường đối với người LGBTQ vẫn là một vấn đề phổ biến ở Việt Nam. Theo khảo sát năm 2016, hơn 70% học sinh đồng giới hoặc chuyển giới cho biết họ bị ngược đãi về thể chất lẫn tinh thần. Đây không chỉ là sự trêu chọc bình thường của trẻ vị thành niên, mà còn là bất cập của một hệ thống giáo dục không có nhiều chương trình giáo dục định hướng giới tính và về việc chấp nhận các định hướng giới tính khác nhau. Nhiều học sinh LGBTQ bỏ học hằng năm vì lý do này.

Thái độ kỳ thị được tiếp diễn ở môi trường làm việc, với một số doanh nghiệp không muốn tuyển nhân viên là những người LGBTQ công khai. Hiện Luật Lao động Việt Nam chưa có các điều khoản cấm các chính sách phân biệt trong tuyển dụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người đồng giới tiếp tục giữ kín giới tính của bản thân để không bị đồng nghiệp kỳ thị.

Căn phòng hội nghị khách sạn nơi sự kiện VietPride diễn ra bị cơ quan chức năng Việt Nam chú ý. Credit: Dam Xuan Viet

Ngay cả các quán bar cho hoặc thân thiện với người đồng giới cũng thường không muốn hỗ trợ cộng đồng LGBTQ. “Thậm chí mình làm Rainbow Night – một đêm event ca nhạc bình thường thôi mà cũng bị tuýt còi nữa, nói gì đến việc kinh doanh tư nhân như một quán gay bar, nó sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh”,” anh Nguyễn cho biết. “Nếu mình quảng cáo quán bar của mình là một gay bar, mình sẽ thu hút sự chú ý của chính quyền, và nhiều người sợ điều này, chưa kể các thứ thủ tục nhiêu khê [từ chính quyền]. Họ sẽ đến đòi tiền hoặc làm khó dễ hoạt động kinh doanh.”

Những vấn đề này càng trầm trọng hơn ở các tỉnh vùng ven. Hơn 60 triệu người – khoảng 2/3 dân số Việt Nam – sống ở nông thôn, nơi quan niệm xã hội còn khá bảo thủ và khó để các nhóm LGBTQ ở đô thị có thể tiếp cận. “Đa số nguồn vốn, nhân lực và sự kiện của chúng tôi tập trung ở Hà Nội, TP.HCM hoặc Đà Nẵng,” anh Vương cho biết. “Vì vậy những người sống ở các tỉnh vùng xa không có nhiều điều kiện và thông tin.”

“Khi chúng tôi có cơ hội đến các tỉnh, bà con không thường lắng nghe chúng tôi. Với họ, LGBTQ là quan niệm của người phương Tây – họ nói ở Việt Nam chúng ta không có người LGBTQ, chúng ta không theo quan niệm Tây phương.”

“Điều sẽ làm cho họ thay đổi suy nghĩ là những câu chuyện về trải nghiệm của bạn bè, gia đình, lối xóm, những người đồng thời cũng là LGBTQ.”

Tập trung vào các vùng nông thôn hiện là một trong những mục tiêu chiến lược của phong trào LGBTQ ở Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế phát triển trong những năm gần đây. Đô thị hóa đã dẫn đến sự di dân từ nông thôn sang thành thị, nơi những cư dân nông thôn tiếp xúc với mạng lưới hỗ trợ và thúc đẩy quyền LGBTQ. Họ mang theo kiến thức này khi quay về nông thôn, và vì vậy gián tiếp giúp các nhóm LGBTQ ở đô thị tiếp cận với vùng nông thôn.

“Điều này rất quan trọng đối với phong trào… nếu mình muốn hướng đến bà con ở xa,” anh Vương cho hay. “Điều sẽ làm cho họ thay đổi suy nghĩ là những câu chuyện về trải nghiệm của bạn bè, gia đình, lối xóm, những người đồng thời cũng là LGBTQ.”

Thách thức về vấn đề tổ chức

Dù có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy quyền LGBTQ, các nhà hoạt động quyền LGBTQ nhìn nhận rằng những bất cập về Luật ở Việt Nam vẫn tạo những rào cản cho phong trào LGBTQ.

Tuy các nhóm LGBTQ làm việc với nhà nước thay vì phản đối nhà nước, phong trào này về bản chất vẫn là thúc đẩy sự thay đổi của hiện trạng xã hội Việt Nam. Hệ thống chính trị của Việt Nam cản trở các nhóm hoạt đồng quyền về mặt tổ chức và gia tăng hiển thị với công chúng, và vì vậy gây trở ngại dài hạn cho phong trào LGBTQ. Theo anh Vương, “Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do hội họp. Các nhóm LGBTQ không thể đăng ký hợp pháp, diễu hành hợp pháp hoặc phản đối hợp pháp. Vì vậy, các khuôn khổ pháp lý hiện tại không cho phép các nhóm LGBTQ trở thành các tổ chức, hội đoàn nếu pháp luật không cho phép.”

Các sự kiện như VietPride chỉ bắt đầu gần đây. Mặc dù được cấp phép, việc sự kiện thu hút nhiều người ở nơi công cộng là một vấn đề gây nhức đầu cho cơ quan chức năng, và vì vậy sự kiện gặp phải nhiều rắc rối. “Từ năm 2015 là chúng mình đã bị để ý rồi,” anh Nguyễn cho hay. “VietPride thu hút tất cả ngàn người trong một buổi chiều rồi kéo ra phố đi bộ [vào năm 2015]. Tại vì họ e ngại việc tụ tập đông người, chính quyền của mình thì vẫn sợ việc đấy… Nên bắt đầu từ 2016, chúng mình không thuê được bất cứ địa điểm nào ngoài trời hết… Không có văn bản nào nói cấm, nhưng bên nội bộ chính quyền làm thế nào đấy mà bên phía địa điểm ấy họ không dám cho mình thuê.”

Phát triến lớn mạnh theo từng năm

Khi một trong những sự kiện chính của VietPride 2017 kết thúc, những người tham gia tiếp tục sự kiện ra ngoài đường phố. Dù bị cơ quan an ninh dọa rút phép, cuộc diễu hành vẫn diễn ra theo kế hoạch. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, hàng trăm người diễu hành dọc đại lộ Nguyễn Huệ, TP.HCM để ủng hộ quyền LGBTQ. Đây là một việc khó có thể diễn ra ở Việt Nam chưa đầy một thập kỷ về trước.

Lá cờ cầu vồng giữa lòng đường Nguyễn Huệ, TP.HCM. Credit: Dam Xuan Viet

Cộng đồng LGBTQ hiễn vẫn còn trong quá trình phát triển và nỗ lực thay đổi định kiến xã hội và hệ thống luật bảo thủ của Việt Nam. Đây là một thách thức đầy khó khăn, nhưng các nhà hoạt động quyền LGBTQ vẫn giữ lạc quan trong chừng mực nhất định, với mong muốn các mạng lưới hiện tại sẽ giúp tạo đà phát triển cho phong trào LGBTQ.

“Chúng ta có một chỗ đứng tốt, và một nền tảng bền vững,”, anh Vương cho biết. “Có rất nhiều nhóm cộng đồng ở Việt Nam, và đây là một nền tảng tốt cho phong trào. Chúng tôi sẽ phát triển lớn và mạnh hơn theo từng năm.”


Nếu bạn thích bài viết này và muốn tham gia với chúng tôi để tạo dựng một không gian nghiên cứu, đối thoại và hành động ở Đông Nam Á, hãy trở thành thành viên của New Naratif chỉ với US$52/năm (US$1/tuần)!

Calum Stuart is a Scottish-Welsh journalist who was previously the Vietnam correspondent for Thomson Reuters based in Ho Chi Minh City and briefly a copy editor at the Democratic Voice of Burma in Chiang Mai. He has worked in both print and broadcast journalism.