Một thư kiến nghị đến các ngân hàng lớn của Singapore yêu cầu dừng những khoản đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện ở các nước phát triển như Việt Nam và Indonesia gây nhiều chú ý về tính phức tạp và quốc tế của những dự án này.

thư ngỏ, được đăng vào tháng 2/2018 và ký bởi 14 nhóm thúc đẩy môi trường trên thế giới – bao gồm Greenpeace và Friends of the Earth, cho thấy các ngân hàng DBS, OCBC và UOB “thất bại trầm trọng, không chỉ trong việc thực hiện những chính sách thực tiễn nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, mà ngược lại tiếp tục đầu tư hàng tỷ đô vào những nhà máy nhiệt điện chạy than và các cơ sở vật chất liên quan.”

Nhìn cận cảnh vào một trong những nhà máy ở Việt Nam, nhà máy Nghi Sơn 2, chúng ta thấy không chỉ các ngân hàng Singapore tham gia vào lĩnh vực này. Theo điều tra của Market Forces, một chi nhánh của Friends of the Earth Australia với vai trò phân tích đầu tư vào các dự án phát triển, các khoản đầu tư không chỉ đến từ các ngân hàng Singapore, mà còn từ các ngân hàng như Standard Charted của Anh, ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Hàn Quốc, ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và một số ngân hàng thương mại của Nhật như Tập đoàn Tài chính Mizuho, ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (MUFG) và ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Dự tính khoản đầu tư với giá trị 2.5 tỷ đô cho Nghi Sơn 2, sẽ được xây dựng ở Thanh Hóa, sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 3/2018.

Để có thể hiểu rõ vấn đề tài chính của những dự án với tầm cỡ như Nghi Sơn 2 không phải là dễ, nhưng ông Julien Vincent, Giám đốc Điều hành Market Forces, giải thích cho chúng tôi về cấu trúc của những khoản đầu tư này.

“Đa số các dự án lớn trong khu vực đều được “chống lưng” bởi những tập đoàn với liên kết nhà nước như ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Hàn Quốc, và trong trường hợp của Nghi Sơn 2, hầu hết là các tập đoàn, ngân hàng của Nhật và Hàn Quốc,” ông Vincent chia sẻ. “Họ đến và cung cấp những khoản vay lớn với lãi và tín dụng dài hạn, và họ được nhà nước cho phép vì những yêu cầu về lợi ích quốc gia.”

Việc các tập đoàn nhà nước tham gia cho thấy các dự án này đủ an toàn để các ngân hàng thương mại tư nhân cùng góp vốn. Những con số cụ thể về quy mô đầu tự án Nghi Sơn 2 hiện chưa được công bố, và vì vậy số vốn từ từng ngân hàng vẫn chưa rõ ràng. Tuy vậy, nội việc các ngân hàng này tham gia vào dự án là đáng lo ngại, vì họ đã vi phạm vào những quy định nội bộ về việc đầu tư.

Ảnh hưởng môi trường

Nhiều nguồn phân tích độc lập về Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment – EIA) của Nghi Sơn 2 kết luận rằng Nghi Sơn 2 là một thảm họa với môi trường địa phương. Market Forces ước tính nhà máy điện này sẽ thải ra lượng khí CO2 gấp 2 lần so với lượng thải khí trung bình từ các nhà máy nhiệt điện trong nước.

Một báo cáo mang tên “Thảo luận về Đánh giá tác động môi trường (EIA) của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2” từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) ở Hà Nội cho thấy nhiều vấn đề lớn. Ví dụ, nhà máy này chỉ là một trong số 3 nhà máy nhiệt điện chạy than của Trung tâm Điện lực Nghi Sơn. Bản báo cáo EIA của Nghi Sơn 2 – dài 375 trang và chỉ bằng tiếng Việt – do bộ công thương, công ty Marubeni và KEPCO soạn thảo không phân tích tác động môi trường chung của cả 3 nhà máy.

Những nhà máy điện này sẽ được xây dựng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn với các nhà máy thép, tinh luyện hóa dầu, xưởng đóng tàu và nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu. Bản báo cáo EIA không bao gồm các yếu tố này khi đưa ra đánh giá tác động môi trường.

Cờ bay trên thuyền cá ở Thanh Hóa, Việt Nam. Credit: Peter Stuckings / Shutterstock.com

Tác động của Nghi Sơn 2 đến ngành thủy-hải sản địa phương cũng là một mối quan tâm lớn, báo cáo của GreenID cho biết. Trái với kết luận của bản báo cáo EIA của Nghi Sơn 2 rằng nhà máy sẽ không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh, GreenID cho thấy bản báo cáo “không có thống kê về các sinh vật trong ngành thủy-hải sản trước khi nhà máy được xây dựng, và vì vậy không thể đánh giá được ảnh hưởng của thay đổi môi trường do Nghi Sơn 2 đến các sinh vật này.”

Những nghiên cứu khác của GreenID về hệ sinh thái quanh các nhà máy điện tương tự ở Việt Nam cho thấy ngành thủy-hải sản ở các địa phương này bị tàn phá trầm trọng. Theo một báo cáo, ngư dân bị ảnh hưởng phải bỏ nghề, hoặc chuyển trại nuôi cá sang những nơi xa nguồn nước thải.

Cuối cùng, GreenID cho thấy người dân sống quanh Nghi Sơn 2 chưa được tham khảo ý kiến. Vì vậy, “người dân địa phương không, hoặc biết rất ít về tác động trong tương lai của dự án. Chỉ sau khi dự án hoàn tất và đi vào hoạt động, họ mới được biết. Điều này dẫn đến nhiều thư khiếu nại sau dự án.”

Những tiêu chuẩn về năng lượng và biến đổi khí hậu

Phần lớn các chỉ trích nhằm vào Standard Chartered và DBS bởi hai ngân hàng này có những chính sách nội bộ về môi trường trái với hoạt động đầu tư vào Nghi Sơn 2.

Vào tháng 1, DBS cho ra mắt chính sách mới về cam kết bền vững. Một trong những điều khoản nêu rằng, “DBS sẽ ngừng cung cấp vốn cho những dự án điện chạy than mới ở những nước phát triển/thuộc khối OECD. Ở những nước đang phát triển, DBS sẽ chuyển trọng tâm sang công nghệ hiệu quả.”

“Việc người Việt Nam không xứng đáng được nhận không khí sạch như người dân các nước phát triển là không công bằng.”

Việc DBS chỉ cam kết dừng đầu tư nhiệt điện chạy than ở các nước phát triển không được đón nhận tích cực ở các nước đang phát triển như Việt Nam. “Chúng tôi cho rằng đây là một tiêu chuẩn kép,” bà Tường Nguyễn, quản lý chương trình ở CHANGE Việt Nam, một trong những tổ chức đã ký duyệt thư kiến nghị nêu trên, cho biết. “Việc người Việt Nam không xứng đáng được nhận không khí sạch như người dân các nước phát triển là không công bằng.”

Bà Tường và CHANGE Việt Nam cũng đã trực tiếp kiến nghị đến ông Peter Seah, chủ tịch DBS, và ông Piyush Gupta, giám đốc điều hành DBS, qua một đơn kiến nghị online. Đơn nhắm vào Nghi Sơn 2 cũng như ba nhà máy nhiệt điện chạy than khác mà DBS đang cân nhắc đầu tư ở Việt Nam.

DBS từ chối yêu cầu bình luận cho bài báo này.

Trong khi đó, báo The Straits Times gần đây cho biết ngân hàng Standard Chartered đang tái cân nhắc việc đầu tư vào Nghi Sơn 2 vì những phân tích kỹ thuật trong báo cáo EIA của dự án cho thấy dự án khi hoàn tất sẽ vi phạm quy định của công ty về năng lượng và biến đổi khí hậu.

Thông cáo của Standard Chartered nêu rõ rằng ngân hàng này “sẽ không cho vay hoặc cung cấp vốn cho những nhà máy nhiệt điện chạy than mới không có khả năng giới hạn cường độ phát thải dài hạn dưới 830g/CO2/kWh.” Chỉ số này đo lượng khí CO2 thải ra với mỗi kWh điện được sản xuất. Bà Lauri Myllyvirta, chuyên gia về than và ô nhiễm không khí của Greenpeace Bắc Kinh, ước tính cường độ phát thải trung bình của Nghi Sơn 2 vào khoảng 890-900/CO2/kWh, hơn nhiều so với tiêu chuẩn của ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về các phân tích kỹ thuật này, một phát ngôn viên của Standard Chartered cho biết, “Với bất kỳ dự án than tiềm năng nào, chúng tôi làm việc với một công ty tư vấn độc lập để xét duyệt tác động môi trường của dự án và công ty tư vấn sẽ cung cấp báo cáo khách quan về độ phát thải dài hạn của dự án. Khi nhận báo cáo của công ty tư vấn, nếu như các thông số không thỏa mãn các quy định của công ty, bước đầu tiên của chúng tôi sẽ là làm việc với chủ dự án nhằm cố gắng đảm bảo dự án có thể tuân theo các tiêu chuẩn của chúng tôi, và nếu không được, chúng tôi có thể và sẽ từ chối tham gia. Trong trường hợp của Nghi Sơn 2, chúng tôi vẫn trong quá trình xem xét.”

DBS và Standard Chartered không phải là những ngân hàng duy nhất có khả năng vi phạm các cam kết nội bộ. Như Standard Chartered, các ngân hàng Mizuho, MUFG và SMBC đều là thành viên của Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles). Các thành viên của nhóm, bao gồm 92 tập đoàn tài chính quốc tế, cam kết tăng cường các tiêu chuẩn trong lĩnh vực đầu tư dự án và chính sách môi trường.

“Việc các ngân hàng tham gia đầu tư là vi phạm những quy định mà họ đã cam kết tuân theo.”

Bà Bernadette Maheandiran, chuyên gia luật và nghiên cứu của Market Forces, tin rằng việc các ngân hàng này tham gia vào Nghi Sơn 2 đi ngược lại Nguyên tắc Xích đạo bởi các thành viên của nhóm này đã cam kết sẽ cân nhắc những dự án sử dũng những nguồn năng lượng khác như khí tự nhiên hoặc năng lượng tái tạo được trước khi đầu tư vào than. “Họ cần phải cho thấy những dự án này không khả thi, và họ đã không làm thế trong trường hợp này,” bà Maheandiran giải thích. “Việc các ngân hàng tham gia đầu tư là vi phạm những quy định mà họ đã cam kết tuân theo.”

Chúng tôi đã gửi yêu cầu bình luận đến các ngân hàng liên quan đến Nghi Sơn 2, tuy vậy chỉ ngân hàng OCBC gửi hồi đáp.

Theo bà Koh Ching Ching, trưởng bộ phận truyền thông doanh nghiệp của OCBC, “OCBC sở hữu mô hình có trách nhiệm với các chính sách xét duyệt các nguy cơ liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như tác động đến môi trường của các dự án đầu tư. Khi quyết định đầu tư, chúng tôi không chỉ quan tâm đến uy tín tín dụng, mà còn xem xét báo cáo EIA và thẩm tra chi tiết về hoạt động của công ty. Các chính sách đầu tư có trách nhiệm của OCBC được hoàn thiện theo thời gian. Đảm bảo tính bền vững của môi trường là một quá trình. Chúng tôi muốn thay đổi cách thức hoạt động của các chủ dự án theo hướng tích cực bằng cách khuyến khích các chính sách bền vững hợp lý.”

Nghi Sơn 2 và chính sách năng lượng của Việt Nam

Nhà máy điện gây nhiều tranh cãi này đại diện cho chính sách sản xuất năng lượng của Việt Nam trong thập kỷ tới khi nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng gấp ba lần. Khi các nước trên thế giới đang tập trung giảm số lượng nhà máy chạy than, Việt Nam đang đi theo hướng ngược lại.

Theo kế hoạch dài hạn của chính phủ về sản xuất năng lượng, được chấp thuận vào tháng 3/2016, tỷ trọng năng lượng từ nhiệt điện sẽ tăng trong những năm tới.

Bản kế hoạch dự báo nhiệt điện chạy than sẽ chiếm 49.3% tổng lượng điện được sản xuất ở Việt Nam vào năm 2020, và sẽ tăng đến 55% vào năm 2025 và giảm xuống còn 53.5% vào năm 2030. Vào thời điểm này, ngành năng lượng Việt Nam sẽ tiêu thụ 130 triệu tấn than mỗi năm.

Khi các nước trên thế giới đang tập trung giảm số lượng nhà máy chạy than, Việt Nam đang đi theo hướng ngược lại.

Giới lãnh đạo Việt Nam từng có kế hoạch sản xuất điện hạt nhân, với các doanh nghiệp Nga và Nhật đồng ý giúp xây dựng nhà máy dọc khu vực Nam-Trung Bộ. Tuy nhiên, kế hoạch này bị bãi bỏ vào cuối năm 2016 vì chi phí cơ sở vật chất quá cao. Sản xuất thủy điện, điện gió và điện mặt trời được dự báo sẽ tăng vào năm 2030, nhưng điện than vẫn sẽ chiếm phần lớn tiêu thụ năng lượng của Việt Nam trong tương lai gần.

Bà Tường từ CHANGE Việt Nam tin rằng vấn đề Nghi Sơn 2 chỉ là một bước nhỏ trong bức tranh chính sách năng lượng của Việt Nam. “Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo được. Chúng tôi không yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy than đang vận hành,” bà Tường giải thích. “Nhưng chúng tôi nhấn mạnh việc dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện chạy than mới.”

Bà Tường tỏ ra thất vọng với những phản hồi thiếu tích cực từ người dân địa phương và giới truyền thông. “Chúng tôi đã tổ chức các lớp huấn luyện truyền thông và họp báo nhằm cung cấp thông tin về vấn đề này cho các phóng viên Việt Nam… nhưng điện than là một vấn đề nhạy cảm, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn,” bà cho biết. “Ngay cả việc viết đơn kiến nghị ở Việt Nam và yêu cầu chính phủ dừng làm một việc gì đó đều bị cấm.”

Bản kiến nghị đến DBS, được đăng vào ngày 6 tháng 3, đã nhận được 713 chữ ký vào thời điểm viết bài này. Tổ chức CHANGE đang nhắm đến con số 2,000 chữ ký vào ngày 22 tháng 3.

“Chúng tôi cần tiếng nói của người dân địa phương,” bà Tường cho biết. “Nếu không các ngân hàng sẽ không thay đổi, vì họ nghĩ người dân địa phương không có phản ứng về vấn đề này.”


NNếu bạn thích bài viết này và muốn tham gia với chúng tôi để tạo dựng một không gian nghiên cứu, đối thoại và hành động ở Đông Nam Á, hãy trở thành thành viên của New Naratif chỉ với US$52/năm (US$1/tuần)!

Michael Tatarski is a journalist based in Ho Chi Minh City, Vietnam. He focuses on the environment, urban development and social issues. Find him on Twitter @miketatarski.

Nguyen Xuan Bach is currently an undergraduate at the National University of Singapore studying Political Science. When not fraternizing with his brethren, he enjoys plucking it the acoustic way, and being a somewhat-reliable goalie on the field.