Ở Campuchia, người gốc Việt đối mặt với nhiều thách thức, từ những thay đổi về chính sách, cạn kiệt nguồn cá, và phân biệt đối xử từ nhà chức trách. Một cặp vợ chồng Campuchia gốc Việt, Hên và Thắm, buộc phải rời ngôi nhà của họ trên hồ Tonle Sap và chuyển đến Việt Nam, khiến họ trở thành những người không giấy tờ. Với khoảng 8,000 hộ gia đình trong vùng, trải nghiệm của Hên và Thắm phản ánh tình trạng của nhiều người nhập cư gốc Việt ở Campuchia.

Mười giờ tối, một đêm mùa khô 2016, Nguyễn Văn Hên, 34 tuổi đang ủi sịp (đánh bắt cá) bằng một máy xăng nhỏ ở ven hồ Tonle Sap, Pean Bang, Kampong Thom, Campuchia. Dù có đeo chiếc đèn nhỏ trên đầu, nhưng Hên rất hạn chế bật đèn. Anh lần mò trong bóng tối, để tránh bị Kiểm (cảnh sát) phát hiện. Dù không vi phạm luật cấm, nhưng Hên biết mình không tránh khỏi rắc rối khi đụng mặt Kiểm. 

“Lọt vào tay họ, không có tiền đút, mình dễ gì được thả đi”. 

Chợt có ánh đèn pha rọi thẳng vào anh. Một giỏ mủ lớn đang tiến dần tới với những cảnh sát có trang bị vũ khí. Sợ bị bắt không có tiền chuộc, anh nhảy khỏi xuồng, bơi vào rừng trốn trong lùm, rồi trèo lên cây. 

Đến sáng ngày hôm sau, khi có xuồng lưới đi ngang, anh mới kêu họ xin quá giang về được tới nhà. Trong lúc đó, Lê Thị Thắm–vợ Hên, nhận được điện thoại của dân làng báo tin, “Chồng mày bị Kiểm rượt bắt ngoài kia kìa”. 

Người em được báo tin, chạy từ nhà Kiểm về xác nhận, “Chỉ thấy xuồng của Hên bị kéo về, không thấy người đâu”. 

Thắm hốt hoảng lặn lội đi tìm chồng. Mà biển nước mênh mông biết chỗ nào để kiếm. 

Đó là giọt nước cuối cùng tràn ly dẫn họ đến quyết định dời đi Việt Nam. 

Gia đình Hên-Thắm cũng giống như rất nhiều gia đình gốc Việt khác trên Biển hồ Tonle Sap. Họ chỉ biết ông bà, tổ tiên mình là người Việt, nhưng không biết những người đầu tiên đặt chân đến Campuchia là từ khi nào. 

Biển hồ Tonle Sap ở Campuchia được coi là cái vựa cá nước ngọt khổng lồ lớn nhất Đông Nam Á với diện tích mặt thoáng là 14.000km2 ở mùa nước ngập. Có gần 8000 hộ gia đình gốc Việt đang sinh sống ở đây. [1] 

Đã từng có những đợt di cư không tự nguyện lớn vào những năm 1970 và 1975 khi người gốc Việt ở Campuchia bị buộc phải dời sang Việt Nam. Đến đầu những năm 80, khi đội quân Khmer đỏ tạm bị đẩy lùi, một trật tự mới được thiết lập dưới sự quản lý của Cộng Hoà Nhân Dân Campuchia, nhiều gia đình gốc Việt trong đợt di cư không tự nguyện kể trên đã quay trở lại Campuchia. [2] 

“Tại sao lại quay trở lại Campuchia?” tôi hỏi. 

“Gần gũi với (linh hồn) ông bà”, hoặc “chăm sóc mồ mả tổ tiên” là mối dây gắn kết khiến nhiều người quyết định trở lại Campuchia. Ở thời điểm đó, nếu so sánh điều kiện sống của 2 khu vực, Biển hồ Tonle Sap có nhiều ưu thế nổi trội hơn so với đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam. 

Trong khi cá ở Tonle Sap nhiều tới mức được kể là: “chỉ cần đút cái chân xuống nước là cá rỉa có khi chảy máu” thì đồng bằng sông Cửu Long âm u, mịt mùng cây cối, được người dân ví von: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt dẫn đến đói kém và đi nghĩa vụ ở các mặt trận biên giới cũng là những yếu tố quan trọng dẫn đến việc một số người quyết định ngược dòng Mekong, quay lại Biển hồ Tonle Sap, Campuchia.

Tháng 8, năm 2017, Một nghị định phụ được thông qua cho phép chính quyền Campuchia hủy bỏ các loại giấy tờ như thẻ căn cước, hộ chiếu và sổ hộ khẩu (có thông tin chi tiết về các thành viên trong gia đình) – tước đi quốc tịch của hàng nghìn người di cư. Đã có khoảng 70.000 người gốc Việt thuộc số người bị thu hồi giấy tờ này. 

Những cá nhân bị thu hồi giấy tờ phải xin giấy phép cư trú. Giấy phép hai năm sẽ có giá 250.000 riel (1.425.000đ).[3] Các thay đổi chính sách về giấy tờ trong những năm qua đã đặt những ngư dân như Hên-Thắm vào tình trạng pháp lý không an toàn, thiếu sự bảo trợ của pháp luật. Họ thường xuyên bị hạch đòi hối lộ khi di chuyển hoặc hành nghề trên hồ. Như lời kể của Hên:

“quan quyền suốt ngày kiếm chuyện, ăn tiền, mình không có giấy tờ, biết đi thưa đi kiện ai”. 

Trong khi đó nguồn tài nguyên ở Tonle Sap đang ngày càng cạn kiệt bởi đánh bắt trái phép, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nhiều dự án xây dựng thuỷ điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tháng 3 năm 2016, ở xã Crantu, huyện Sroc Đung (tỉnh Pursat), nước rút cạn trơ ra một vùng đất rộng, nơi hàng trăm trâu, bò được đưa tới để gặm cỏ.[4] Điều này đặt cư dân của các làng nổi vào một tình thế khó khăn, đặc biệt là với cộng đồng gốc Việt, những người không có giấy tờ pháp lý để có thể lên bờ tìm một công việc khác thay thế. Đặc biệt, khi nhóm người thiểu số gốc Việt đã luôn là đích nhắm cho các chỉ trích mang tính phân biệt và chủ nghĩa dân tộc. [5]

Trước tình trạng khan hiếm cá–nguồn sống chính của cộng đồng trên Biển hồ Tonle Sap–không phương thức chuyển đổi nghề nghiệp, không giấy tờ, không chính sách an sinh, v.v…những di dân gốc Việt này lần lượt kéo qua Việt Nam, quê hương thứ hai, nơi họ tin sẽ không bị phân biệt đối xử, không phải đối phó với nạn hạch đòi hối lộ. Và quan trọng nhất, ở đó, họ hy vọng sẽ được cấp giấy tờ để thay đổi cuộc sống.

BÊN KIA ĐƯỜNG BIÊN

Vào tháng 4/2016, bỏ lại tài sản chính như nhà, xuồng máy để trừ nợ. Gia đình của Hên-Thắm và gia đình người em gái bao gồm 9 người rủ nhau đi Việt Nam. Với một nồi cơm và cá khô chiên, ngồi sau 1 thùng xe chở hàng, họ xuất phát ở Kampong Luong (Campuchia) lúc 2 giờ khuya và đến Tân Châu (Việt Nam) vào 4 giờ chiều hôm sau. 

500.000riel (2.850.000đ) là số tiền cả 2 gia đình phải trả bao gồm chi phí xe và dịch vụ qua biên giới không có giấy tờ. Về đến nhà người anh trai, trong túi Thắm và Hên chỉ còn 18.000 riel (103.000đ)

Những ngày đầu gia đình Thắm sống bằng sự tương trợ của hàng xóm, những người Việt Kiều Campuchia dời đến trước anh chị. Họ chia nhau từ điếu thuốc tới gạo, bánh, đồ dùng gia đình. Thắm kể,

“Mỗi người ghé qua cho một chút”

Ngôi nhà của họ được dựng nhờ trên phần đất của xã. Những tháng cuối năm, nước ngập lên đến lưng chừng nhà, cứ phải gỡ ván sàn cơi cao dần lên, vào nhà phải khom lưng bước.

Họ bắt đầu cuộc sống ở nơi mới bằng nghề cá. Hai vợ chồng vay nợ, dọn lưới, mua xuồng, mua máy của người ta, bữa được ba, bốn trăm ngàn, cũng đủ ăn. Nhưng dùng lưới mau hao. 10 tấm lưới gần 2 triệu đồng. “Hên thì giăng được nửa tháng. Còn rủi thì giăng được ít ngày rách hết trơn. Nói chung giăng thì cũng được nhưng vốn lưới nặng quá”- Thắm nói. Điều đó khiến nợ dồn đống, không trả nổi.

Rồi anh Hên chuyển nghề, vào rừng cao su phụ tỉa cây, ngày được  200.000đ-300.000đ. 

Lao động dồn lên mỗi mình Hên, Thắm không giúp được vì các con còn nhỏ và hay đau ốm. Rồi anh chị vay được 800.000đ mua góp được cái xe máy cũ. Mỗi ngày trả góp 50.000đ. Tuần có tiền trả, tuần không. Gần 2 tháng sau mới trả hết nợ. Cái xe máy cà tàng, nhưng “cứu” cả gia đình anh chị. Chặt cây, trồng khoai mì, làm năng lượng, làm hồ,…tất cả đều dựa vào cái xe. 

Ấp Tà Dơ nằm lọt thỏm bên rìa hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), phần còn lại bao phủ bởi những vườn cao su xanh ngắt. Cách xa Ubnd xã 7km, xa trung tâm huyện 23km, người dân nếu không làm nghề cá thì biết lấy gì sinh sống. Đa phần người lớn và trẻ con ở cộng đồng này kiếm tiền dựa vào bán vé số, một nghề không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng hoặc sức lực. 

Ở thời điểm này họ vừa được chuyển vào nhà mới không lâu. Nhà mới rộng 36m2, thuộc 183 căn nhà liền kề ở khu tái định cư Đồng Kèn 2, cách chỗ ở cũ 1,5km. Khu tái định cư được xây dựng từ nguồn tiền từ thiện và ngân sách của tỉnh. [6] 

“Nhà tường” với nhiều Việt Kiều từ Biển hồ Tonle Sap, có thể nói là sự chuyển biến mới mẻ. Từ khi mở mắt chào đời, số phận họ đã gắn liền với cuộc sống du mục trôi nổi trên sông nước. Những ngày giông gió, sóng ở Biển hồ được mô tả “cao như cái nhà”. Một căn “nhà tường” dù không được cấp giấy tờ – một bằng chứng về việc công nhận quyền sở hữu – nhưng cũng là niềm vui lớn của Hên và Thắm. Một khởi đầu vững chãi. 

LÀN SÓNG MỚI 

Nhưng cuộc sống mưu sinh bấp bênh. Làm thuê nhỏ lẻ bên ngoài thường xuyên bị giựt tiền. Anh chị muốn có một chỗ làm ổn định hơn trong nhà máy, nơi tới tháng là được lãnh lương. Họ quyết định gửi 2 con lớn cho người em gái nuôi, đóng cửa nhà, đem theo đứa con út dời lên Thạnh Bắc, Tân Biên, Tây Ninh cách đó 45km để thuê nhà và vào nhà máy cao su làm việc. 

Điều này đặt họ vào nguy cơ bị thu hồi lại nhà ở khu tái định cư vì không sử dụng. Nên cứ nửa tháng, 20 ngày, hoặc khi có đoàn thanh tra tới, họ lại tranh thủ chạy về mở cửa như một hình thức điểm danh.

Băng qua những lộ đất đỏ cao su, những bãi sắn, mía khô không khốc sau mùa thu hoạch, chúng tôi tiến dần về phía biên giới Chằng Riệc nơi gia đình Hên-Thắm đang ở trọ. Đó là dãy trọ có 10 căn cho thuê. Một nửa trong số các gia đình ở đây là Việt Kiều Campuchia từ Đồng Kèn 2 và Ấp Tà Dơ dạt về. Phần lớn các công ty chỉ nhận lao động có giấy chứng minh nhân dân, nên những năm về trước mọi người thường mượn giấy tờ tùy thân của nhau để xin việc làm trong các nhà máy. Những năm sau này bị rà soát kỹ hơn, sợ bị bắt vì tội dùng giấy tờ giả nên họ không còn mượn nhau nữa.

“Những công ty gần nhà không nơi nào nhận tụi em. Vùng sâu vùng xa cần người làm nên họ dễ thông cảm mình vụ giấy tờ hơn”

Thắm kể. Mấy trăm gia đình Việt Kiều ở ấp Tà Dơ và Đồng Kèn 2 không ai có giấy tờ. 

“Người ta kêu đợi thì mình đợi chớ biết làm sao đây chị” Thắm nói. 

Với sự bảo lãnh của Đơn Xin Xác Nhận (dùng cho người di cư tự do từ Campuchia về) có dấu đỏ của chính quyền xã, Hên và Thắm được nhận vào nhà máy làm ở Thạnh Bắc.Thời gian đầu không có tiền thuê chỗ trọ, 3 gia đình 8 người hùn nhau thuê chung một căn 23m2 giá 2 triệu mỗi tháng. Căn trọ có lúc chứa tới 13 người vì “Mướn nhiều quá không có tiền trả”. 

Đứa út là Mạnh Tiến lúc này mới hơn 3 tuổi đã ngày ngày theo mẹ vào công ty làm việc. Đem theo 1 chiếc võng, Thắm móc võng ngay cạnh chỗ làm rồi đặt con nằm ở trong chơi với cái điện thoại cho tới lúc nào mệt thì ngủ. 

Khi tôi hỏi: “mùi cao su nồng nặc vậy sao chịu nổi hả chị?” 

Thắm trả lời: “Thì cũng phải chịu chứ biết làm sao”. 

A group of stateless children sitting around. The figures are censored in silhouette.A sketch of children sitting around. Text reads "No one can afford to send them to school. The parents, working in long alternating shifts, cannot find time to bring their children to school."
Ảnh và ảnh của Nguyễn Thị Thanh Mai. Trượt để xem.

Sau gần 1 năm khi đã ổn định hơn, các gia đình tách ra thuê phòng riêng, đón con cái về ở cùng. Lúc này 2 đứa con lớn của Hên và Thắm mới được về ở cùng bố mẹ, giúp trông giữ em. Điều này cũng dẫn đến việc Lan Thanh, đứa con gái thứ 2 đang học tới lớp 2 thì nghỉ. Còn Mạnh Đạt, đứa con trai đầu thì đã ngừng học từ hồi lớp 4. 

Mạnh Đạt năm nay mới gần 15 tuổi. Em đã vào nhà máy làm việc cùng với bố mẹ được 11 tháng nay. Mỗi ngày em làm việc với gần 30 tấn cao su. Mỗi khối cao su nặng 15kg, như vậy em đã nâng lên đặt xuống gần 2000 khối–công việc của 1 người trưởng thành. 

Gia đình Hên Thắm làm việc theo ca. Hôm nay ca ngày thì hôm sau sẽ đổi sang ca đêm. Mỗi ca 12 tiếng. Ăn theo sản phẩm, nếu hôm nào máy móc không hư thì cả 3 người kiếm được 700.000đ-800.000đ. 

Chỉ tay vào chiếc xe máy mới màu đỏ cạnh bên, Thắm nói: “Em làm 3 năm nay mua được cái xe góp này, trả được hơn 100 triệu, em còn 50 triệu nữa là hết nợ”.

Họ mong ngày thoát nợ, để được về ngôi nhà tường của mình, tìm một công việc nào đó, lương thấp hơn cũng được, nhưng để 2 đứa nhỏ được đi học, để nó lớn lên biết con chữ. 

Xóm trọ nhỏ với 10 gia đình nằm bên đường lộ lớn. Ngày ngày xe tải, công te nơ chở mía, sắn, nông sản từ cửa khẩu Chằng Riệc nối đuôi nhau chạy tung bụi mù trời. Người lớn vào công ty làm việc vẫn nơm nớp với tụi nhỏ chơi ở nhà. Không ai có điều kiện đưa con đi học. Có nơi không nhận vì không có giấy tờ. Có nơi nhận, nhưng bố mẹ thay nhau làm ca, thời gian đâu mà đưa đón.

A photo of an exterior corridor, with several figures of children censored in silhouette.A sketch of children in hammock. Text reads "A speck of dust in the turmoil of the economic recession, with nowhere they can drift to."
Ảnh và ảnh của Nguyễn Thị Thanh Mai. Trượt để xem.

Chỉ hơn 2 tuần sau khi gặp nhau, còn vài ngày nữa là Tết âm lịch, Thắm gọi điện cho tôi 

“Em bị đuổi việc rồi chị ơi, họ cũng không trả tiền thưởng của năm rồi như đã hứa”. 

Rồi chị ấm ức kể lại chi tiết, vừa kể vừa khóc. Thắm có lẽ không biết rằng mình chỉ là một hạt bụi bị cuốn tung trong cơn lốc suy thoái kinh tế này. Vào những ngày này, hàng trăm ngàn công nhân cũng đang rơi nước mắt vì bị sa thải hàng loạt, hoặc cắt giảm giờ làm. Chỉ khác một điều, sau giông bão, họ còn có một quê hương để quay về. Còn những người như Thắm, họ sẽ tiếp tục trôi dạt đến đâu?

A photo of a child sleeping in a hammock. The figure is censored in silhouette.A sketch of a child sleeping in a hammock. Text reads "Without a piece of legal paper, the stateless have nothing of value to their name."
Ảnh và ảnh của Nguyễn Thị Thanh Mai. Trượt để xem.

Nếu lang thang dọc theo khu vực biên giới Tây Ninh nơi giáp ranh với Campuchia, bạn sẽ gặp rải rác rất nhiều các khu dân xóm trọ nhỏ từ 10 đến 30 gia đình Việt Kiều Campuchia. Họ phiêu bạt từ nơi này tới nơi khác để làm thuê kiếm sống, mỗi nơi ở vài tháng hoặc vài năm rồi lại di chuyển. Những chuyến di cư đôi khi khá cồng kềnh vì có cả người già, trẻ con. Nhưng tài sản thì vẫn tay trắng. 

“Đến một tấm giấy lận lưng cũng không có,” như một người tự mô tả về bản thân. 

A photo of a field, with censored silhouetted figures of children raking it.A sketch of a group of children raking in the field. Text reads "Do you have any dreams for the future? I like to eat cake."
Ảnh và ảnh của Nguyễn Thị Thanh Mai. Trượt để xem.

Có rất nhiều những đứa trẻ như Mạnh Đạt, 8 tuổi, 12 tuổi, 15 tuổi,… phơi mình trong nắng, ngày qua ngày, cào bột khoai mì để phơi khô, hoặc vắt kiệt sức mình bên những dàn máy ép mủ, trong không khí đặc quánh mùi cao su thum thủm của nhà máy chế biến. 

Khi tôi hỏi Tài, 1 cậu bé 15 tuổi, thấp bé, đang phơi khoai mì trên khoảnh đất bạc nắng: “Con có ước mơ gì về tương lai không?” 

Em ngẩn người ra suy nghĩ một lúc, không trả lời. Rồi tôi hỏi tiếp: “Vậy con thích gì?” 

Em nhoẻn miệng cười: “Con thích ăn bánh”… 


Tên các nhân vật đã bị thay đổi

Chú thích
  1. Hoang Anh. “Nguoi Viet o Bien ho Tonle Sap
  2. Ramses Amer (2013). “Domestic Political Change and Ethnic Minorities – A Case Study of the Ethnic Vietnamese in Cambodia”, Asia-Pacific Social Science Review, Vol. 13, No. 2, pp. 87-101
  3. Kong Meta. (2018). Gov’t: move to revoke improper documents nearing conclusion.
  4. Tien Trinh. (2016). Biển Hồ cạn kiệt chưa từng thấy trong 40 năm
  5. (2023). Fishing Regulations in Southeast Asia: Learning from the Tonle Sap Lake
  6. Lyma Nguyen & Christoph Sperfeldt (2012). “A Boat Without Anchors – FINAL report”, pp. 13-20
  7. M. Phuong (2018). Bàn giao 183 “tổ ấm từ bi” cho 1.000 Việt Kiều Campuchia hồi hương

Born in Hà Nội, Thanh Mai works with a variety of media, including photography and video. Her practice is focused on questions of identity, both personal and collective, including issues of migrants’ experiences and rights.

Lêna Bùi is a visual artist and translator living and working in Saigon, Vietnam.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *