Thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá bằng những điểm số ảm đạm về tự do, ví dụ như 20/100 (100 có nghĩa là tự do nhất) từ Freedom House vào năm 2017, Việt Nam bị xem là một nhà nước chuyên chế, nơi mà một người có thể bị cho là đã phạm pháp nếu họ đi biểu tình. Nhưng việc chính quyền bắt giữ người dân mỗi khi họ xuống đường không có nghĩa là các cuộc biểu tình đó vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Mà ngược lại, chính nhà nước Việt Nam đã hành xử một cách vi hiến khi bỏ mặc các nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với các quyền chính trị và quyền con người của công dân.

Bắt giữ Will Nguyễn

Một bài báo trên trang Culture Trip (Chuyến du lịch văn hóa) được đăng vào tháng Năm 2018, đã chỉ ra “13 cách làm thế nào để bị bắt ở Việt Nam” bằng một bảng danh sách những hành vi cần phải tránh. Trong đó bao gồm từ vận chuyển ma tuý, chất cấm cho đến phổ biến các thông tin tuyên truyền chống phá nhà nước, chụp ảnh các cuộc biểu tình và đăng tải những thông tin chính trị trên mạng xã hội.

Cái nhìn cực kỳ đơn giản của bảng danh sách này lại trở nên có vẻ khá hợp lý khi William Anh Nguyễn bị bắt giữ tại thành phố Hồ Chí Minh. Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt từng cộng tác viết bài cho tờ New Naratif về sự chia cắt của hai miền Nam Bắc Việt Nam, đã ghé thăm Việt Nam trong một thời gian ngắn trước khi đến Singapore nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ. Và trong khi tạm trú tại đây, Will đã tham gia một cuộc biểu tình lớn để phản đối hai dự thảo luật về an ninh mạng và về việc lập ra các đặc khu kinh tế vào ngày 10 tháng Sáu năm 2018. Will vừa đi tuần hành vừa đăng tải các hình ảnh đi kèm những lời bình luận cá nhân lên tài khoản Twitter của mình.

Thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi duy nhất tại Việt Nam nổ ra biểu tình ngày hôm đó. Người Việt Nam khắp cả nước đã tập trung phản đối hai đạo luật vấp phải nhiều chỉ trích này. Cuộc biểu tình toàn quốc vào đầu tháng 6/2018 có thể nói là lớn nhất trong vòng hơn bốn thập kỷ qua, với con số người tham gia xuống đường phải nói là một kỷ lục cho một đất nước mà các quyền tự do dân sự thường xuyên bị cấm đoán.

Vào xế trưa cùng ngày, chính quyền thành phố quyết định như thế đã quá đủ. Lực lượng công an bắt đầu giải tán cuộc biểu tình bằng việc chặn các ngả đường và bắt giữ những người dân tham gia. Khi mọi người tiếp tục chia sẻ thông tin và cập nhật về các diễn biến tiếp theo trên mạng xã hội, thì hình ảnh Will Nguyễn đứng trên một chiếc xe cảnh sát với dòng chữ chú thích: “Ảnh tại hiện trường khi @will_nguyen_ bị đánh và bị bắt giữ” cũng xuất hiện.

Đoạn video ghi lại tình hình anh bị bắt giữ đã được chia sẻ sau đó, với hình ảnh Will đầu chảy máu và bị kéo lê trên đường bởi một nhóm đàn ông được cho là công an mặc thường phục. Trừ lúc xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước gần một tuần sau khi bị bắt giam – trong một đoạn phim mà nhiều cho rằng anh đã bị ép cung – thì Will Nguyễn không còn xuất hiện trước công chúng cho đến hôm anh bị tuyên án và bị trục xuất trong một phiên tòa vào ngày 20/7/2018.

Vụ án của Will góp phần củng cố những quan điểm về một nhà nước chuyên chế Việt Nam, rằng biểu tình hay đăng tải những thông tin có nội dung chính trị trên mạng xã hội là những hành vi phạm pháp. Thế nhưng, đó lại là những lập luận vốn không được dựa trên pháp luật hiện hành của Việt Nam. Mặc dù Will Nguyễn cuối cùng cũng được trả tự do, nhưng anh ấy vốn không nên bị bắt giữ ngay từ đầu.

“Biểu tình”: Một từ ngữ chính trị nhạy cảm

Chế độ kiểm duyệt gắt gao tại Việt Nam cùng với những hành động trấn áp chẳng chút e dè của chính quyền khi nhắm vào những người tham gia các cuộc biểu tình, đã tạo ra một ấn tượng chung là luật pháp Việt Nam không bảo vệ các quyền tự do cá nhân. Nhưng không, Điều 25 Hiến pháp đảm bảo mọi công dân “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) từ ngày 24/9/1982. Hiến pháp năm 2013 còn khẳng định, Việt Nam “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Vây nếu như tham gia biểu tình là một quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp, thì tại sao Will Nguyễn lại phải ra tòa chỉ vì anh đã thực thi quyền đó? Câu trả lời không nằm ở việc Will có làm ra một hành vi phi pháp hay không, mà nó ẩn sâu trong một hệ thống đàn áp quyền con người tinh vi, nhưng vi hiến, đã được chính phủ Việt Nam thi hành trong suốt một thời gian dài.

Vì mặc kệ là Hiến pháp đã viết như thế nào về đảm bảo quyền được biểu tình ôn hòa của người dân, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP (Nghị định 38) vào năm 2005 để quản lý các hành vi “tụ tập đông người nơi công cộng”. Sau đó, họ tiếp tục ban hành thông tư quy định các buổi họp mặt hơn năm người phải được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cho phép. Các cơ quan chức năng địa phương được giao phó nhiệm vụ giải tán đám đông. Ngoài ra, lực lượng công an và quân đội thì có nghĩa vụ phải hợp tác với chính quyền địa phương và “áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để duy trì và bảo đảm trật tự công cộng.” Nghị định này không phải là Luật Biểu tình của Việt Nam vì nó không do Quốc hội Việt Nam ban hành, mà là một văn bản dưới luật.

Vây nếu như tham gia biểu tình là một quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp, thì tại sao Will Nguyễn lại phải ra tòa chỉ vì anh đã thực thi quyền đó?

Nhưng cùng lúc, “biểu tình” lại trở thành một từ ngữ mang nhiều cấm kỵ vì nó đặt nhà nước Việt Nam vào một tình huống khó xử. Một mặt, họ muốn đàn áp các tiếng nói đối lập và các cuộc biểu tình. Mặt khác, nếu ra luật cấm biểu tình thì sẽ đi ngược lại với chính những gì mà nhà lãnh đạo cách mạng quá cố Hồ Chí Minh của họ từng ban hành trong Sắc lệnh 31 năm 1945 và đảm bảo mọi công dân quyền được hội họp, biểu tình.

Tính nhạy cảm của từ ngữ chính trị này được phô bày ngay trong tháng trước. Ngày 19/6/2018, tờ báo lớn nhất nước, Tuổi Trẻ, đã đưa tin về buổi gặp mặt cử tri vào ngày 19/6/2018 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – thành viên đoàn đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bài báo này thì ông Quang đã lên tiếng ủng hộ việc ra Luật Biểu tình, vốn được hy vọng sẽ khẳng định quyền biểu tình của người dân, cũng như đưa ra các quy định về những hành vi hay hoạt động nào được cho phép hay không cho phép. Thông tin này đã nhận được một phản ứng lớn từ công chúng, đặc biệt là vào thời điểm mà cả nước vừa chứng kiến một cuộc biểu tình toàn quốc lớn nhất kể từ năm 1975 chỉ cách hai tuần trước đó.

Bài báo mạng của Tuổi Trẻ đã nhanh chóng bị lấy xuống và sửa lại nội dung. Đó là một hành động khiến cho nhiều cư dân mạng đưa ra những lời lẽ chỉ trích đầy châm biếm, rằng ngay cả Chủ tịch nước của Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của kiểm duyệt khi dám nói đến Luật Biểu tình. Bộ Thông tin Truyền thông tiếp theo thẳng tay trừng phạt Tuổi Trẻ vì bài báo nói trên với kết luận đó là thông tin “sai sự thật” gây ra “hậu quả nghiêm trọng”. Cùng với một lời bình luận “gây mất đoàn kết dân tộc” trong một bài báo khác, nhà nước đã xử phạt tờ báo bằng hình thức đình bản báo điện tử Tuổi Trẻ Online 90 ngày và phải nộp phạt tổng cộng 220 triệu (tương đương 10.000 đô la).

Giới hạn quyền biểu tình tại Việt Nam

Nhiều luật sư và học giả Việt Nam cho rằng Nghị định 38 có nhiều vấn đề và là một văn bản pháp luật vi hiến. Vào tháng 11, 2011, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và một trí thức được nhiều người kính trọng, đã trả lời phỏng vấn RFI rằng: “Cái nghị định 38, nếu mà đọc hết tất cả, mà thay cái chữ ‘tụ tập đông người’ bằng ‘biểu tình’, thì lập tức nhìn ra rằng, nội dung của nghị định ấy là vi hiến ngay, nó ngược với quyền biểu tình của công dân ở điều 69 của Hiến pháp.”

Trước đó vài tháng, khi cả nước xuống đường trong ba tháng liền để biểu tình chống lại những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, một luật sư tại Hà Nội là ông Trần Vũ Hải đã gửi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị họ thực thi quyền “giải thích Hiến pháp” đối với quyền biểu tình của người dân. Tuy Việt Nam không có Tòa án bảo hiến, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trao nhiệm vụ diễn giải luật pháp, cho phép họ được “giải thích Hiến pháp, luật, và pháp lệnh”.

National Assembly of Vietnam - New Naratif
The National Assembly building in Vietnam’s capital Hanoi. Credit: Nils Versemann / Shutterstock.com

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động và luật gia Trịnh Hữu Long, người đã tham gia vào những cuộc biểu tình năm 2011, thì “Quốc hội Việt Nam vẫn chưa có hồi đáp về yêu cầu giải thích tính hợp hiến của Nghị định 38.” Và theo ông được biết, thì hình như Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bao giờ thực thi quyền giải thích luật pháp của họ. Thế nên, khi mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chiếm đa số trong Quốc hội với gần 95% tổng số đại biểu và không có một đảng phái chính trị đối lập, thì việc sử dụng cuộc chiến Hiến pháp trong công cuộc đấu tranh cho các quyền con người và quyền tự do dân sự xem như là hoàn toàn bế tắc.

Nhưng các vi phạm về quyền con người không chỉ dừng ở Nghị định 38, nhà nước Việt Nam còn ban hành một số điều luật khác, ví dụ như Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015 để dùng làm căn cứ pháp lý cho việc trừng phạt những hành vi “gây rối trật tự công cộng” – đây cũng chính là điều luật mà chính quyền đã dùng để truy tố Will Nguyễn.

Nội dung của Điều 318 khá mơ hồ và cho phép chính quyền rất nhiều quyền hạn để có thể tùy nghi áp dụng nó. Thay vì đưa ra một định nghĩa rõ ràng cho hành vi cấu thành tội “gây rối trật tự công cộng”, thì Điều 318 chỉ đóng một cái khung pháp lý sơ sài cho “những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Theo Khoản 1 của Điều 318, hình phạt cho tội danh này có thể là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, theo báo chí nhà nước, thì bản cáo trạng từ Viện Kiểm sát đã truy tố Will Nguyễn theo Khoản 2 của điều luật này dành cho những trường hợp có tình tiết tăng nặng, ví dụ như “xúi giục người khác gây rối.” Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Will Nguyễn có thể phải đối mặt với bản án tù giam từ hai cho đến bảy năm tại một xứ sở mà điều kiện giam giữ tại các nhà tù từng bị Quốc tế phản ánh là có nhiều hành vi ngược đãi, cũng như thiếu trách nhiệm giải trình từ phía trại giam.

Nhà nước thất bại trong việc thực thi các nghĩa vụ Quốc tế

Mặc dù đã cố choàng cho chúng bằng những ngôn từ bảo vệ an ninh trật tự công cộng, cả Nghị định 38 lẫn Điều 318 BLHS 2015 đều là những ví dụ về lỗi ngụy biện trong tư duy pháp lý. Cả hai chẳng những không phải là những điều luật bảo vệ quyền được biểu tình của người dân, mà các điều luật này cũng không thể đưa ra một định nghĩa thống nhất về những hành vi vi phạm pháp luật, nếu có, khi người dân tham gia biểu tình. Thế nên, hai điều luật này vốn được làm ra chỉ với một mục đích duy nhất, đó là lèo lái dư luận khỏi thực trạng là cho đến nay, Việt Nam vốn không hề có một đạo luật nào về quyền biểu tình của người dân như Hiến pháp đã quy định.

Tại phiên Kiểm điểm phổ quát định (Universal Periodic Review – UPR) lần thứ hai trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2014, nhà nước Việt Nam đã chấp thuận khuyến nghị từ nước Úc, là họ “sẽ ban hành các đạo luật cho phép và quy định quyền tụ họp và biểu tình ôn hòa của người dân theo chuẩn mực của công ước ICCPR.” Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thực hiện cam kết này.

Mặc dù đã cố choàng cho chúng bằng những ngôn từ bảo vệ an ninh trật tự công cộng, cả Nghị định 38 lẫn Điều 318 BLHS 2015 đều là những ví dụ về lỗi ngụy biện trong tư duy pháp lý

Và vì thế, mặc cho Hiến pháp 2013 đã đưa ra sự đảm bảo về quyền biểu tình cùng với các cam kết đối với cộng đồng Quốc tế, chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên sử dụng những điều luật mơ hồ và chung chung để truy tố những ai thực thi các quyền con người và quyền tự do – đặc biệt là các nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng vũ lực để đàn áp người dân. Bản báo cáo về tình hình nhân quyền toàn cầu năm 2018 (World Report 2018) của tổ chức quốc tế Human Rights Watch cho biết, “công an đã sử dụng vũ lực quá mức cho phép để giải tán những công nhân biểu tình trước một nhà máy dệt may của một chủ đầu tư người Hong Kong tại tỉnh Hải Dương” vào tháng Chín năm 2017 khiến cho nhiều người bị thương. Human Rights Watch còn báo cáo thêm là trong năm 2017, chính quyền Việt Nam “đã bắt giữ ít nhất 41 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các bloggers vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc những hoạt động khác, hay chỉ đơn giản là đăng tải những thông tin chỉ trích chính phủ.”

Thuật ngữ “gây rối trật tự công cộng,” vì thế, đã trở thành một công cụ rất tiện lợi cho một chính quyền luôn hăng hái trong việc đàn áp tiếng nói đối lập. Nhưng nếu Việt Nam hoàn toàn không có một đạo luật quy định rõ ràng về quyền tụ tập và biểu tình, thì hành vi tham gia biểu tình không thể bị cho là phạm pháp. Đơn giản chỉ vì chúng ta vốn không có một định nghĩa pháp lý về biểu tình, và biểu tình như thế nào là hợp pháp, như thế nào là bất hợp pháp?

Số phận của Will Nguyễn sẽ ra sao?

Will Nguyễn đã vô tình rơi vào cùng một hoàn cảnh nghiệt ngã như những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Trước ngày Will bị mang ra xét xử, Việt Nam đã tuyên án từ 24 đến 30 tháng tù giam cho sáu công dân với cùng một tội danh như Will.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng giữa Will và những người này: Will không phải là công dân Việt Nam, mà anh là một người Mỹ gốc Việt. Điều này cho phép anh có được một số “đặc quyền” ít ỏi nằm trong giới hạn mà chính quyền Việt Nam có thể chấp nhận được: Will được gặp nhân viên Sứ quán Hoa Kỳ và gia đình của anh được phép tham dự phiên tòa. Đây là những điều xa xỉ mà những tù nhân lương tâm khó có được vì họ thường bị giam giữ hằng tháng – hay có khi là hằng năm trời – mà không được phép tiếp xúc người khác trước khi ra tòa. Và mặc dù các phiên xét xử ở Việt Nam đều là công khai, nhưng thân nhân của các tù nhân lương tâm luôn phải đấu tranh thì mới có được quyền tham gia những phiên xử người thân của họ.

Thế nhưng, vụ việc của Will chỉ nhận được một sự quan tâm có chừng mực từ truyền thông chính thống tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đặt vấn đề về hồ sơ của Will với phía Việt Nam trong chuyến công du vào đầu tháng Bảy và khuyến khích các bên sớm có một “giải pháp nhanh chóng” cho vụ việc. Tuy nhiên, chính bản thân ông Pompeo cũng không đưa ra bất kỳ lời tuyên bố nào về Will.

“Ngoại trưởng Pompeo đã bỏ lỡ cơ hội bằng vàng khi có mặt ở Hà Nội để lên tiếng trước công chúng về hồ sơ của Will Nguyễn và đòi trả tự do cho anh ấy ngay lập tức,” Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch đã chia sẻ với chúng tôi. Ông nói thêm, “Trump có lẽ là vị tổng thống chống lại quyền con người nhiều nhất trong lịch sự Hoa Kỳ hiện đại, và những nhà hoạt động như Will Nguyễn trở thành các món hàng đổi chác trong cơn cuồng nộ xóa bỏ trật tự thế giới của Trump.”

Thế nhưng, vẫn có tin vui cho gia đình Will Nguyễn vào ngày 20/7/2018 khi một tòa án Việt Nam tuyên bố anh sẽ được trao trả tự do nhưng “sẽ bị trục xuất ngay lập tức.”

“Hội đồng xét xử nhận định bị cáo tại phiên xử thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố. Xét bị cáo thành khẩn khai báo, tòa không áp dụng hình phạt tù là thể hiện tính khoan hồng của pháp luật,” theo tin từ báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ án của Will Nguyễn đã kết thúc không phải với một bản án mang tính pháp lý, mà đó là kết quả của một quyết định chính trị. Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2017 đã viết: “Pháp luật (Việt Nam) tuy có quy định về một nền tư pháp độc lập với những hội thẩm là công dân bình thường, thế nhưng hệ thống tòa án thì lại yếu kém trước sức ảnh hưởng của những nguyên tố ngoại lai, ví dụ như các quan chức cao cấp của nhà nước và sự lãnh đạo của [đảng Cộng sản Việt Nam].

Và cho dù Will đã được trả tự do, hiện nay vẫn còn 20 người Việt Nam khác đang bị công an giam giữ chờ truy tố với cùng một tội danh

Gia đình và bạn bè của Will đã bỏ ra rất nhiều công sức trong việc yêu cầu Việt Nam trả tự do cho anh qua cuộc vận động trên mạng xã hội Free Will Nguyen campaign với hashtag #FreeWilly.

“Cho dù kết quả của phiên xét xử có như thế nào đi nữa, gia đình của Will chỉ có một mong muốn tột cùng là mang anh về nhà càng sớm càng tốt,” một người bạn học Đại học của anh, Kevin Webb đã nói trong phần trả lời phỏng vấn hãng tin NBC News.

Người thân của Will Nguyễn cuối cùng sẽ thở phào nhẹ nhõm với cái kết trong vụ án của anh, nhưng chính quyền Việt Nam thì vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống đàn áp vi hiến này để trấn áp những cuộc biểu tình ôn hòa. Và cho dù Will đã được trả tự do, hiện nay vẫn còn 20 người Việt Nam khác đang bị công an giam giữ chờ truy tố với cùng một tội danh.