Khi bê bối tình dục của nhà sản xuất phim Harvey Weinstein được phanh phui ở Mỹ, Bảo Uyên, nhà báo tự do ở Việt Nam, đã được một người bạn nam khuyến khích chia sẻ câu chuyện #MeToo của chị về việc bị quấy rối tình dục nơi công sở.
Nhưng Bảo Quyên đã không làm vậy. Chị sợ bị hiểu lầm lợi dụng tình cảm trên mức bình thường với cấp trên để thăng tiến, và chị cảm thấy có một phần lỗi vì đã không chống cự đủ gay gắt.
Theo khảo sát được thực hiện online bởi Fojo Media Institute ở Việt Nam trên 247 nhà báo, 27% nhà báo nữ và 3% nhà báo nam từng bị quấy rối tình dục. Thủ phạm gồm đồng nghiệp và những người đóng vai trò làm nguồn tin cho họ trong quá trình tác nghiệp. Tuy vậy, cũng theo báo cáo, con số thực tế có thể còn cao hơn vì một số nhà báo nữ khi được phỏng vấn theo nhóm không biết rằng quấy rối tình dục cũng có thể là qua lời nói.
Dù rằng đây là một hiện tượng khá phổ biến, phần lớn các tòa soạn báo ở Việt Nam không có cơ chế khiếu nại về vấn đề này. Như vậy, mỗi lần nguồn tin, đồng nghiệp hay cấp trên đi quá xa, gánh nặng xử lý lại rơi vào nạn nhân và đồng nghiệp thân cận sẵn sàng đến giải cứu của họ.
Nạn nhân lên tiếng
Khi còn là sinh viên báo chí ở TP.HCM, Bảo Uyên được bạn bè, đồng nghiệp và ngay cả giáo viên của chị bảo rằng đi nhậu và tán tỉnh nguồn tin là một kỹ năng các nhà báo nữ cần rèn luyện để có được thông tin. Quan niệm nữ nên lợi dụng nhan sắc để lấy tin đã trở thành thông lệ trong ngành báo. Hậu quả là không ít nhà báo trẻ đã phải bỏ nghề vì bị quấy rối tình dục, hoặc vì không thể “thích nghi” được với những “kỳ vọng” này, Tiến sĩ Phạm Hà Chung, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền ở Hà Nội, cho biết tại hội thảo của Fojo vào tháng Năm.
Khi tin đồn về cộng tác viên báo Tuổi Trẻ tự tử vì bị cấp trên hiếp dâm được lan truyền trên Facebook vào ngày 19/4, nhiều bình luận thắc mắc tại sao cộng tác viên này đã không dùng “kỹ năng báo chí” của mình để phanh phui sự việc.
Quan niệm nữ nên lợi dụng nhan sắc để lấy tin đã trở thành thông lệ trong ngành báo.
Trong vòng 24 tiếng kể từ khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, các tờ báo lớn vẫn im hơi lặng tiếng về vấn đề này. Nó phản ánh quy tắc bất thành văn của ngành báo chí Việt Nam: nhà báo không được chỉ trích nhau. Nhưng chính sự im lặng này đã thôi thúc Bảo Uyên chia sẻ chuyện sếp cũ liên tục rủ rê chị đi cà phê và một lần đã vuốt tóc chị trong văn phòng vắng.
Việc báo chí không lên tiếng về những sai phạm trong ngành không phải là “nghịch lý của nghề báo. Đó phải là sự thất bại của nền báo chí này thì đúng hơn”, Bảo Uyên viết. Bài đăng của chị được chia sẻ hơn 1.600 lần trên Facebook.
Bảo Uyên không phải là người duy nhất lên tiếng. Chị là một trong 7 nhà báo dành một tuần sau vụ của báo Tuổi Trẻ để chia sẻ trên Facebook về mặt khuất của ngành báo chí Việt Nam, nơi người trong cuộc đều biết một số sếp lớn gạ tình thực tập sinh, đổi lại hứa hẹn cơ hội vào biên chế. Những “nhà báo #MeToo” này tự xưng là “nhóm phóng viên nữ” – mặc dù có một thành viên là nam – một cách nhấn mạnh vào vấn đề họ quan tâm hơn là thành phần nhóm.
Dù những câu chuyện này được các tổ chức phi chính phủ, các nhóm quyền phụ nữ và các nhà báo trẻ chia sẻ rộng rãi, và dù “nhóm phóng viên nữ” được mời đến phát biểu tại nhiều sự kiện, nhưng chỉ hai tờ báo trong nước đăng bài về họ. Các tờ báo lớn cũng chỉ dừng lại ở việc đưa tin Tuổi Trẻ hiện đang xem xét những cáo buộc xâm hại tình dục. Tuy nhiên, nhiều báo cũng đã bắt đầu thảo luận sâu và chi tiết hơn về vấn đề quấy rối tình dục nói chung và tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân, những vấn đề vốn được xem là nhạy cảm.
Mặt khác, tường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM — nơi nạn nhân theo học— đã bất ngờ gửi công văn yêu cầu báo Tuổi Trẻ điều tra vụ việc. Trường chỉ trích việc Tuổi Trẻ khẳng định thông tin cộng tác viên tự tử là chưa chính xác mà chưa xét đến những bằng chứng cho thấy sinh viên này đã trải qua khủng hoảng tâm lý kéo dài. Sau đó, theo thông cáo chính thức của Tuổi Trẻ, nhân vật bị cáo buộc đã từ chức, và tờ báo đã chuyển giao vụ việc cho cơ quan chức năng.
Nhiều phụ nữ khác lên tiếng
Ngay khi vụ #MeToo đầu tiên của Việt Nam đang có dấu hiệu lắng xuống, vào ngày 27/4 vũ công Phạm Lịch dùng Facebook cá nhân để tố cáo rocker Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục, kèm ảnh chụp tin nhắn làm bằng chứng. Phạm Lịch cũng cho biết trước đó chị đã liên hệ với vợ của anh Khoa nhằm cố gắng giải quyết vấn đề trong nội bộ. Không lâu sau đó, hai người phụ nữ khác cũng lên tiếng về việc bị Phạm Anh Khoa quấy rối. Khác với vụ việc tại báo Tuổi Trẻ, những cáo buộc này nhanh chóng được báo chí đưa tin.
Phạm Anh Khoa ban đầu dọa kiện những người phụ nữ trên vu khống, nhưng cuối cùng nam ca sỹ buộc phải xin lỗi sau khi lời phát biểu đổ lỗi cho môi trường showbiz Việt của anh trong một cuộc phỏng vấn bị công chúng phản ứng dữ dội. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) sau đó chấm dứt hợp tác với nam ca sỹ với tư cách là Đại sứ hình ảnh, đồng thời nhiều buổi biểu diễn của anh đã bị hủy.

Nhiều câu chuyện khác dần được đưa ra ánh sáng trên mạng xã hội. Ngày 19/5, người mẫu khỏa thân Kim Phượng cho biết chị đã tố cáo với cảnh sát rằng mình bị họa sĩ body painting nổi tiếng Ngô Lục hiếp dâm. Chị chia sẻ trên Facebook mong muốn những nạn nhân khác sẽ cùng lên tiếng; người mẫu Huyền Phương sau đó đã đồng ý giúp đồng nghiệp chứng thực tại tòa nếu cần. Vụ việc vẫn đang được điều tra.
Nạn nhân: bị đổ lỗi và được ủng hộ
Chuỗi sự kiện trên đánh dấu những bước ngoặt chưa từng có tại Việt Nam, một quốc gia còn theo chế độ phụ quyền, nơi những hành vi tính dục của nam giới vẫn được xem là “bản năng tự nhiên”, còn tính dục của phụ nữ bị đè nén và chỉ được xem như là một công cụ sinh sản.
Nhiều người đã đổ lỗi cho nạn nhân trong những vụ #MeToo gần đây. Khi Kim Phượng lên tiếng về trường hợp của mình, cư dân mạng bày tỏ hoài nghi về tính xác thực của thông tin và động cơ của của chị. Nhiều người ngờ vực việc chị bị hãm hiếp vì chị không có vết thương trên người; một số khác cho rằng nếu thủ phạm dùng bao cao su, thì hành vi đó không phải là hiếp dâm.
Những quan niệm sai lầm và nguy hiểm này không chỉ phổ biến với nam giới, mà còn với phụ nữ; báo cáo của Fojo Media Institute cho thấy mức độ hạn hẹp về nhận thức của các nhà báo nữ về quấy rối tình dục không kém các đồng nghiệp nam.
Vào tháng Ba năm nay, Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc phát hành báo cáo cho thấy những phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam từng cáo buộc hiếp dâm và xâm hại tình dục thường bị nghi ngờ vì những định kiến xã hội có tính hệ thống. Phỏng vấn với công an cho thấy có trường hợp gia đình nạn nhân được khuyến cáo giữ im lặng về việc xâm hại để “bảo vệ phẩm giá” và để tránh ảnh hưởng đến khả năng kết hôn của nạn nhân trong tương lai.
Báo cáo của Fojo Media Institute cho thấy mức độ hạn hẹp về nhận thức của các nhà báo nữ về quấy rối tình dục không kém các đồng nghiệp nam.
Tuy vậy, Bảo Uyên cho biết những nạn nhân dám lên tiếng cũng nhận được nhiều “sự ủng hộ bất ngờ”. Dù một tài khoản Facebook đã giả danh chị — và sau đó tố cáo tài khoản của chị là ảo – sau khi chị chia sẻ câu chuyện #MeToo của mình, nữ nhà báo 29 tuổi cho biết chị không hề nhận được những tin nhắn thù ghét từ cộng đồng mạng: “Mọi người đều tỏ ra rất thông cảm và ủng hộ.”
Trả lời phỏng vấn Bảo Uyên cho cuốn sách #MeToo Việt Nam dự kiến được xuất bản bởi Chương trình Nghiên cứu Internet & Xã hội trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, vũ công Phạm Lịch và người mẫu Kim Phượng cho biết họ nhận được nhiều sự đồng cảm hơn là sự chỉ trích. Những sự ủng hộ, đặc biệt là từ những người bạn nam đã cất công chia sẻ câu chuyện của họ, đã giúp các chị tiếp tục vững bước.
Nhận thức công chúng
Khải Đơn, nhà văn nổi tiếng và cũng là thành viên của “nhóm phóng viên nữ” cho biết yếu tố người nổi tiếng đã một phần nào đó giúp đưa những câu chuyện #MeToo lên trang nhất của nhiều tờ báo trong nước. Tuy vậy, có nhiều yếu tố quan trọng không kém: trong trường hợp của Phạm Anh Khoa là sự đấu tranh bền bỉ của những nạn nhân, cộng với chứng cứ rõ ràng, giúp vụ việc tiếp tục được công chúng chú ý. Phạm Anh Khoa cũng đã tự làm khó cho bản thân khi cho rằng “Ở showbiz, vỗ mông nhau cũng là cách chào hỏi.” Ngay lập tức, anh bị nhiều nghệ sỹ lên án vì đã sỉ nhục ngành giải trí.
Thêm vào đó, “vụ việc đến sau một thời gian độc giả tại Việt Nam đã hiểu thêm về quấy rối tình dục, và những hành vi không hợp chuẩn tại nơi làm việc, hay trong quan hệ công việc, vì thế các nạn nhân cũng được tôn trọng hơn trước đây,” Khải Đơn cho New Naratif biết.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, học giả về giới tính ở Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình. “Tôi không ngạc nhiên vì sự tiến triển của #MeToo ở Việt Nam vì thực ra trong mấy năm gần đây nhận thức xã hội về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là về bạo lực tình dục,” tiến sĩ Hồng, tác giả của cuốn sách Tình Dục: Chuyện Dễ Đùa Khó Nói được xuất bản năm 2009, cho biết.
Tiến sĩ Hồng cho rằng sự phát triển của mạng xã hội – với hơn nửa dân số Việt Nam dùng internet – và những làn sóng phản ứng đòi công lý cho phụ nữ và trẻ em gái là nguyên nhân cho sự thay đổi về nhận thức của công chúng, đặc biệt mỗi khi có yêu râu xanh quyền lực nhận bản án được cho là quá nhẹ.
“Tất nhiên, không thể không nói đến những nỗ lực bền bỉ của các cơ quan, tổ chức và cả giới truyền thông trong những năm qua để nghiên cứu, chia sẻ về bạo lực giới, nhất là nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em,” tiến sĩ Hồng lưu ý. “Những hoạt động đó đã xây dựng nền móng cho những thay đổi ngày hôm nay.”
Khi vụ việc tại báo Tuổi Trẻ được đưa tin, các nhà báo viết về #MeToo đã có sẵn dữ liệu đáng tin cậy về quấy rối tình dục ở Việt Nam để sử dụng trong những bài viết của mình. Đáng chú ý là báo cáo của tổ chức phi chính phủ ActionAid vào năm 2014 cho thấy 87% phụ nữ được phỏng vấn tại Hà Nội và TP.HCM từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần. Báo cáo cũng cho thấy đa số nạn nhân và người chứng kiến không phản ứng trước hành vi quấy rối.
Còn quá sớm để gọi là thành công
Trước những những thành quả đạt được, tiến sĩ Hồng vẫn thận trọng khi cho rằng đây chỉ là những dấu hiệu cho thấy #MeToo ở Việt Nam có dáng dấp của một phong trào. Bảo Uyên và Khải Đơn đều cho biết còn quá sớm để kết luận rằng chiến dịch của “nhóm phóng viên nữ” đạt được thành công — họ vẫn đang tiếp tục theo dõi cuộc điều tra của công an về cáo buộc xâm hại tình dục tại báo Tuổi Trẻ.
Việc chuyển biến sự ủng hộ cho phong trào #MeToo thành những thay đổi thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Qua một tuần thực hiện chiến dịch #MeToo, Khải Đơn “nhận thấy các tòa soạn trẻ sẵn sàng đón nhận điều này, và muốn đồng nghiệp hiểu rõ hơn về việc họ có quyền tố cáo khi bị quấy rối ra sao.”
“Nhưng các tòa soạn truyền thống, nơi quyền lực tập trung trong tay các Tổng Biên tập là nam giới, đa số lãnh đạo tòa soạn là nam giới, họ vẫn diễn đạt chuyện phóng viên nữ phải ngủ với sếp là “tự các cô ấy muốn”, hay “tại anh tại ả”, vì đó chính là cách họ suy nghĩ về việc quấy rối nhân viên của mình trong tòa soạn,” Khải Đơn cho biết.
Đa số nhà làm luật và lãnh đạo công ty lớn ở Việt Nam không lớn lên cùng mạng xã hội và không được tiếp xúc từ nhỏ với quan điểm tiến bộ về tình dục hay quyền phụ nữ như thế hệ trẻ ngày nay.
Những nhà hoạch định chính sách cấp cao này lớn lên trong một xã hội mà chỉ gần đây mới bắt đầu nghi vấn sự đúng đắn của câu tục ngữ “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu.”
Bộ Luật Lao động Việt Nam lần đầu tiên công nhận hiện tượng quấy rối tình dục năm 2012, tuy nhiên không có quy định cụ thể về định nghĩa, biện pháp ngăn ngừa cũng như biện pháp chế tài.
Bộ Luật Lao động Việt Nam lần đầu tiên công nhận hiện tượng quấy rối tình dục năm 2012, tuy nhiên không có quy định cụ thể về định nghĩa, biện pháp ngăn ngừa cũng như biện pháp chế tài. Năm 2015, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cùng với chính phủ, các công đoàn và doanh nghiệp trong nước phát triển bộ Quy tắc Ứng xử về Quấy rối Tình dục nơi Làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Trần Quỳnh Hoa, cán bộ truyền thông của ILO, hiện còn rất khó để thuyết phục doanh nghiệp trong nước thông qua bộ Quy tắc này.
“Các doanh nghiệp đã thông qua bộ Quy tắc Ứng xử chủ yếu là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài vì họ chịu sức ép từ nước ngoài,” bà Hoa phát biểu tại một hội thảo về bình đẳng giới trong ngành truyền thông Việt Nam vào tháng Năm.
“Khi làm việc với các lãnh đạo doanh nghiệp, rất khó để thuyết phục họ rằng một số câu từ hay ánh mắt cũng có thể là hành vi quấy rối tình dục,” bà Hoa nói và cho biết các lãnh đạo cho rằng đây là những quan niệm Tây phương không phù hợp với ngữ cảnh Việt Nam, nơi mọi người thích nói chuyện bông đùa.
Dù nhiều công ty trong nước đều có nội quy, những quy định này chủ yếu nhằm gia tăng năng suất hơn là bảo vệ quyền được làm việc trong một môi trường an toàn của người lao động, luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết tại một talkshow về #MeToo được tổ chức vào tháng Tư bởi Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), một tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy quyền phụ nữ ở Việt Nam.
Định kiến trong tiềm thức
Vấn đề quấy rối tình dục cũng đã làm nổi bật những định kiến tồn tại đã lâu trong tiềm thức của xã hội, truyền thông và pháp luật Việt Nam tới mức ngay cả những người công khai ủng hộ phong trào #MeToo còn bị chi phối bởi những quan điểm nguy hiểm.
Trường hợp nổi bật nhất là của tổ chức CSAGA nêu trên. Trong một video đã bị xóa, nỗ lực thảo luận nghiêm túc về quấy rối tình dục giữa CSAGA và Phạm Anh Khoa đã bình thường hóa hành vi khiếm nhã của anh với phụ nữ khi cho rằng anh là một nghệ sĩ ngây thơ hoạt động trong ngành showbiz thiếu các quy tắc ứng xử, nơi đụng chạm cơ thể giữa các đồng nghiệp là bình thường.
Thông điệp gây tranh cãi này cũng được lặp lại bởi nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Ông Vinh kêu gọi công chúng cho Phạm Anh Khoa một cơ hội sau khi anh đã xin lỗi công khai. “Có thể Khoa sống trong một môi trường thoải mái quá mà không nhận ra sự quá đà của mình,” ông Vinh trả lời phỏng vấn báo Lao Động. “Có những phạm vi mà người này chấp nhận được nhưng người kia lại không. Đó là do cảm nhận của mỗi cá nhân.”
Vì Luật Lao động không có những biện pháp chế tài cho các hành vi quấy rối tình dục, Cục Nghệ thuật Biểu diễn không xử phạt Phạm Anh Khoa về tội quấy rối tình dục vũ công Phạm Lịch khi hai người cùng tham gia một chương trình trên truyền hình quốc gia. Nhưng cũng chính cơ quan này quy định phạt từ 5-10 triệu đồng nghệ sĩ có trang phục không phù hợp với “thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nhiều nữ nghệ sĩ đã từng bị phạt vì trang phục thiếu vải hoặc sự cố lộ hàng. Báo chí truyền thông trong nước thường đưa tin rộng rãi về những vụ này.
Không chỉ tổ chức 8/3
Tại buổi ra mắt báo cáo của Fojo về kỳ thị giới tính và quấy rối tình dục trong ngành báo Việt Nam, đại diện của hai tờ báo lớn là Thông tấn xã Việt Nam và Thể Thao Văn Hóa cho rằng tòa soạn của họ không có tình trạng quấy rối tình dục. Họ tự tin cho rằng hai tòa soạn này không cần có bộ quy tắc ứng xử vì họ có nhiều phóng viên nữ hơn là nam, có nữ lãnh đạo cấp cao, có những phúc lợi đặc biệt cho lao động nữ, cũng như tổ chức rầm rộ ngày 8/3.
Tuy vậy, những thành tích này đều phổ biến ở các tòa soạn Việt, theo báo cáo của Fojo. Việt Nam thường xuyên được xếp hạng cao về tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động; tuy nhiên, số lượng lao động nữ cao không có nghĩa là quấy rối tình dục không còn là vấn đề.
“[Tôi] Hi vọng công đoàn không chỉ tổ chức 8/3 mà có khả năng bảo vệ [người lao động nữ], dựa trên quy trình bảo vệ,” bà Hoa trả lời đại diện của tờ Thể thao Văn hoá. “Có thể nhân viên nữ không kể với [đại diện báo]. Nên có nội quy và tập huấn.”
Như Bảo Uyên và Khải Đơn cho biết, #MeToo không phải là một chiến dịch nhằm cào bằng giữa nam và nữ, hay là một chiến dịch nhằm bôi nhọ giới truyền thông hoặc danh dự của bất cứ người đàn ông nào.
“[#MeToo] đấu tranh cho sự tôn trọng phụ nữ,” Bảo Uyên nói. Và theo các “nhà báo #MeToo”, đã đến lúc phải hành động.
Nếu bạn thích bài viết này và muốn tham gia với chúng tôi để tạo dựng một không gian nghiên cứu, đối thoại và hành động ở Đông Nam Á, hãy trở thành thành viên của New Naratif chỉ với US$52/năm (US$1/tuần)!